Trong bài viết này, 12B Sports sẽ giải đáp câu hỏi penalty là gì và làm rõ những điều luật liên quan đến tình huống đặc biệt này.
1. Penalty (phạt đền) là gì?
Penalty (hay còn gọi là phạt đền hay phạt 11 mét) là một hình thức đá phạt trong bóng đá, với vị trí đặt bóng nằm cách 11 mét so với điểm chính giữa khung thành. Tình huống penalty chỉ có sự tham gia của người sút và thủ môn.
Theo chuyên trang bóng đá The Analyst, tỷ lệ sút penalty thành công trung bình là 78%. Có thể nói đây là tình huống dễ ghi bàn bậc nhất. Tuy nhiên, cũng bởi vậy mà người sút phạt đền đối mặt với áp lực không nhỏ, đặc biệt là ở những thời khắc quan trọng của trận đấu.

2. Khi nào có penalty?
Quả penalty xuất hiện khi trọng tài xác định cầu thủ của đội phòng ngự dùng tay chơi bóng hoặc phạm lỗi với cầu thủ của đội tấn công trong khu vực vùng cấm địa (16m50). Lưu ý, không phải cứ bóng chạm tay thì bị thổi phạt đền, mà chỉ những tình huống cầu thủ sử dụng tay có chủ đích. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “có chủ đích” sẽ phụ thuộc vào trọng tài.
3. Những lỗi dẫn đến penalty là gì?
– Dùng tay chơi bóng
– Bất cứ lỗi nào trong những lỗi sau, nếu được trọng tài nhận định là hành vi bất cẩn, liều lĩnh hoặc sử dụng sức mạnh một cách thô bạo với đối thủ:
- Tấn công.
- Nhảy vào.
- Đá hoặc cố tình đá.
- Đẩy.
- Đánh hoặc cố tình đánh (bao gồm húc đầu).
- Tắc bóng.
- Ngáng hoặc cố tình ngáng chân.
– Giữ đối phương lại.
– Cản trở đối phương bằng cách tiếp xúc.
– Cắn hoặc nhổ nước bọt.
– Ném một vật vào bóng, đối thủ hoặc trọng tài trận đấu, hoặc tiếp xúc với bóng bằng một vật đang cầm (vị trí phạm lỗi được coi là vị trí mà vật đó đập hoặc sẽ đập vào người hoặc bóng, hoặc đường biên gần nhất nếu vị trí này nằm ngoài sân thi đấu).
– Bất kỳ hành vi phạm lỗi thể chất nào đối với đồng đội, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay ra/bị đuổi khỏi sân hoặc quan chức của đội hoặc quan chức trận đấu.
– Một cầu thủ cần sự cho phép của trọng tài để vào lại sân, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay ra/bị đuổi khỏi sân hoặc quan chức đội bóng vào sân mà không có sự cho phép của trọng tài và cản trở trận đấu.
– Một cầu thủ cần sự cho phép của trọng tài để vào lại sân, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay ra/bị đuổi khỏi sân hoặc quan chức đội bóng đang ở trên sân mà không có sự cho phép của trọng tài trong khi đội của người đó ghi bàn thắng (bàn thắng không được công nhận; địa điểm xảy ra hành vi phạm lỗi được coi là địa điểm của người phạm lỗi tại thời điểm bàn thắng không được công nhận được ghi).
– Một cầu thủ tạm thời rời khỏi sân chơi, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay ra/bị đuổi khỏi sân hoặc quan chức đội bóng ném hoặc đá một vật thể vào sân đấu và vật thể đó cản trở tình huống bóng, đối thủ hoặc quan chức trận đấu (nơi xảy ra hành vi phạm lỗi được coi là nơi mà vật thể được ném hoặc đá cản trở trò chơi hoặc đập hoặc sẽ đập vào đối thủ, quan chức trận đấu hoặc bóng thi đấu).
– Một quả penalty cũng được trao nếu, trong khi bóng đang trong cuộc chơi, một cầu thủ, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay ra/ bị đuổi khỏi sân hoặc quan chức đội bóng phạm bất kỳ lỗi đá phạt trực tiếp nào đối với một quan chức trận đấu hoặc đối với một cầu thủ đối phương, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay ra/bị đuổi khỏi sân hoặc quan chức đội bóng bên ngoài sân đấu, với điều kiện là khu vực đường biên gần nhất với vị trí phạm lỗi nằm trong khu vực phạt đền của đội vi phạm.

4. Quy trình thực hiện quả penalty (phạt đền) là gì?
Quả bóng được đặt tại chấm penalty, bất kể lỗi xảy ra ở đâu trong khu vực vòng cấm. Cầu thủ thực hiện quả phạt đền phải được thông báo với trọng tài. Chỉ có người sút bóng và thủ môn của đội phòng ngự được phép ở trong khu vực 16m50; tất cả các cầu thủ khác phải đứng trong sân nhưng ngoài khu vực 16m50, phía sau chấm penalty và cách chấm penalty tối thiểu 9,15 m (10 yard).
Thủ môn có quyền di chuyển trước khi bóng được sút, nhưng phải đứng trên đường biên ngang giữa hai cột dọc, đối mặt với người sút bóng và không được chạm vào cột dọc, xà ngang hoặc lưới. Tại thời điểm quả phạt đền được thực hiện, thủ môn phải có ít nhất một phần của một chân chạm hoặc nằm trên vạch cầu môn. Trợ lý trọng tài chịu trách nhiệm cho đường biên nơi thực hiện quả phạt đền sẽ đứng ở giao điểm giữa khu vực 16m50 và đường biên ngang, hỗ trợ trọng tài chính trong việc phát hiện lỗi và/hoặc xác định bóng đã vào gôn hay chưa.
Trọng tài sẽ thổi còi để báo hiệu rằng quả penalty được thực hiện. Người thực hiện quả phạt đền không được sút bóng trước khi trọng tài thổi còi.
Cầu thủ có thể thực hiện các động tác giả (đánh lạc hướng hoặc gây khó chịu) trong quá trình chạy đà, nhưng không được làm như vậy một khi đã hoàn tất việc chạy đà. Cú sút và bước cuối cùng của cầu thủ thực hiện phải được thực hiện liền mạch.
Trước khi cầu thủ thực hiện cú sút, bóng phải ở trạng thái tĩnh và phải được sút về phía trước. Bóng được tính là trong cuộc khi nó đã được sút và bắt đầu bay đi; vào thời điểm đó, các cầu thủ khác được phép di chuyển vào khu vực 16m50 và cung phạt đền. Người sút không được chạm bóng lần thứ hai cho đến khi bóng đã chạm một cầu thủ khác của bất kỳ đội nào hoặc không còn trong cuộc (bao gồm cả việc bay vào khung thành).

5. Quy định đối với các cầu thủ khi có quả penalty là gì?
Trong trường hợp có tình huống phạm luật trong lúc tiến hành quả penalty (thường là lỗi di chuyển vào khu vực 16m50 trước khi được cho phép), trọng tài phải xem xét cả việc bóng đã vào khung thành hay chưa và đội nào phạm luật. Nếu cả hai đội đều phạm luật, quả đá 11 mét sẽ được thực hiện lại.
Kết quả cú sút | Không có vi phạm | Chỉ đội tấn công vi phạm | Chỉ đội phòng ngự vi phạm |
Vào khung thành | Bàn thắng | Đá lại | Bàn thắng |
Đi hẳn ra ngoài đường biên | Thủ môn phát bóng lên | Thủ môn phát bóng lên | Đá lại |
Bóng bật lại từ khung thành/thủ môn | Tình huống tiếp tục | Đá phạt gián tiếp | Đá lại |
Thủ môn chụp và giữ bóng | Tình huống tiếp tục | Tình huống tiếp tục | Đá lại |
Thủ môn cản phá, bóng văng ra ngoài đường biên | Phạt góc | Đá phạt gián tiếp | Đá lại |
Những vi phạm sau đây của đội tấn công sẽ dẫn đến quả đá phạt gián tiếp cho đội phòng ngự, bất kể kết quả cú sút ra sao:
- Một đồng đội của cầu thủ được xác định đá phạt đền đá bóng thay thế (cầu thủ đá thay sẽ bị cảnh cáo).
- Cầu thủ đá phạt đền thực hiện động tác giả đá bóng vào cuối pha chạy đà (cầu thủ này sẽ bị cảnh cáo).
- Cú đá không đi về phía trước.
- Cầu thủ đá phạt đền chạm bóng lần thứ hai trước khi bóng chạm vào cầu thủ khác (bao gồm cả pha bật bóng ra khỏi cột dọc hoặc xà ngang).
Trong trường hợp cầu thủ liên tục vi phạm luật trong khi thực hiện quả đá penalty, trọng tài có thể cảnh cáo cầu thủ vì vi phạm liên tục. Tất cả các lỗi xảy ra trước khi đá phạt đền đều có thể được xử lý theo cách này, bất kể vị trí xảy ra lỗi.
Nếu bóng chạm vào tác nhân bên ngoài (tức là vật thể lạ trên sân) khi bóng di chuyển về phía trước từ cú đá, thì cú đá sẽ được thực hiện lại.

6. Cách đá penalty (phạt đền)
6.1 Sút bình thường
Thông thường, các cầu thủ sẽ lựa chọn góc sút từ trước. Họ có thể dùng mu hoặc lòng trong, sử dụng lực mạnh hoặc nhẹ tùy ý muốn.
6.2 Động tác giả
Với kiểu sút phạt đền này, người sút sẽ thực hiện động tác giả (trước nhịp chạy đà cuối cùng). Mục tiêu của họ là lừa cho thủ môn bay người trước, sau đó sẽ sút về hướng ngược lại.
6.3 Panenka
Nhiều người có thể thắc mắc phong cách đá penalty này là gì và bắt nguồn từ đâu. Đây là phong cách đá penalty được tạo ra bởi cựu cầu thủ Antonín Panenka, người Tiệp Khắc. Người sút vờ như sẽ thực hiện một quả đá bình thường vào góc, nhưng sau đó họ lại bấm bóng nhẹ nhàng vào giữa khung thành khi thủ môn đã đổ người.
6.4 Phối hợp
Phương thức đá 11 mét này đòi hỏi sự tham gia của hai cầu thủ. Người sút pen sẽ không sút ngay, mà đẩy nhẹ bóng về phía trước để một đồng đội băng lên dứt điểm hoặc chuyền lại. Kiểu phối hợp này mang lại nhiều bất ngờ cho thủ môn, nhưng cần phải được thực hiện hoàn hảo để tránh phạm luật.
Năm 2016, Lionel Messi đã cùng Luis Suarez phối hợp để ghi bàn trong quả phạt đền cho Barcelona. Tình huống này được ghi lại trong video dưới đây.
7. Loạt sút penalty (luân lưu)
Ở những trận đấu loại trực tiếp mà không thể phân định thắng thua sau 90 phút hoặc 120 phút, loạt luân lưu sẽ được sử dụng đến. Mỗi đội có 5 lượt sút penalty, đội nào sút thành công nhiều lần hơn sẽ giành chiến thắng. Nếu tỷ số vẫn hòa sau 5 lượt, thì loạt sút luân lưu sẽ tiếp tục cho đến khi có một đội sút thành công và đội còn lại sút hỏng.
Khác với quả penalty bình thường, ở loạt sút luân lưu, người sút chỉ được đá bóng đúng một lần mà không được chạm lại vào bóng. Các cầu thủ khác đứng ở vòng tròn giữa sân và không được đá bồi.
Loạt đá luân lưu tuyệt vời của U23 Việt Nam Vs U23 Qatar tại AFC cup 2018
Như vậy là 12B Sports đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần biết về quả penalty trong bóng đá. Để đọc các bài viết chuyên sâu khác của chúng tôi, mời bạn theo dõi mục Long-form!
Xem thêm: